Trong khuôn khổ chuyến công tác của PVN tại Liên bang Nga mới đây, ông Lê Mạnh Hùng – Tổng giám đốc, cùng đoàn công tác của PVN đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tổng công ty Power Machines (PM) tại Moskva để thống nhất trước các nguyên tắc trong đàm phán nhằm giải quyết các bế tắc tại dự án Nhiệt điện Long Phú 1.

Tại buổi làm việc, ông Lê Mạnh Hùng – Tổng giám đốc PVN cùng ông Alexander Konyukhov – Tổng giám đốc PM rà soát tình hình thực hiện các nội dung đã trao đổi, thống nhất giữa hai bên tại Moskva vào ngày 29/11/2021.

Tổng giám đốc PM đã trình bày về các công việc đã thực hiện để bảo quản, bảo dưỡng thiết bị nhằm hạn chế các ảnh hưởng đến Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1.

Tại buổi làm việc, ông Lê Mạnh Hùng đã nhấn mạnh đến các nguyên tắc của PVN là luôn nỗ lực thực hiện các giải pháp, với mục tiêu hoàn thành dự án trên cơ sở các điều kiện thực tế, phù hợp với các quy định hợp đồng EPC, cũng như tinh thần xây dựng quan hệ hợp tác giữa PVN và PM nói riêng, góp phần gìn giữ mối quan hệ truyền thống, hữu nghị giữa Việt Nam và Liên bang Nga nói chung.

Để tăng cường, thúc đẩy hiệu quả công việc, Tổng giám đốc PVN đề nghị các bên cần thống nhất trước các nguyên tắc trong đàm phán. Trong đó, lưu ý cách thức làm việc trực tiếp (50% tại Việt Nam và 50% tại Liên bang Nga) và yêu cầu phía PM hỗ trợ các điều kiện cần thiết phục vụ quá trình đàm phán.

Tổng giám đốc PM thống nhất với đề nghị của PVN, cam kết sẽ tạo điều kiện, chia sẻ thông tin tối đa cho Tổ đàm phán hai bên. Thống nhất lộ trình đàm phán. Trước mắt, vòng đàm phán thứ nhất sẽ được tổ chức tại Sankt-Peterburg, Liên bang Nga và vòng đàm phán thứ hai sẽ được tổ chức tại Hà Nội.

Dau Khi Pvn Pm

Kết thúc buổi làm việc, Tổng giám đốc PVN và Tổng giám đốc PM đã thống nhất việc các bên cần chia sẻ các rủi ro, khó khăn và chân thành tạo điều kiện, hỗ trợ lẫn nhau để sớm hoàn thành đàm phán các vấn đề liên quan đến dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1. Nhất trí một số nguyên tắc trong quá trình đàm phán (như xây dựng nội dung đàm phán, thống nhất trước kế hoạch đàm phán). Với mục tiêu, việc đàm phán sẽ hoàn thành trước ngày 15/11/2022. Thành phần Tổ đàm phán và thẩm quyền của Tổ trưởng Tổ đàm phán mỗi bên, cũng như cách thức xác nhận kết quả, báo cáo lãnh đạo sau mỗi vòng đàm phán.

Dự án Nhiệt điện Long Phú 1 có công suất 1.200 MW. Theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh): Vận hành thương mại tổ máy 1 năm 2018, tổ máy 2 năm 2019. Nhưng thực tế hiện nay không xác định được tiến độ cụ thể do Tổng thầu Power Machines (PM – Nga) đang bị Chính phủ Mỹ đưa vào danh sách cấm vận. Do đó, hiện tại, các hoạt động trên công trường chỉ là công tác bảo quản, bảo dưỡng vật tư thiết bị đã được vận chuyển về và đã lắp đặt vào vị trí.

Theo nhìn nhận của ông Nguyễn Thái Sơn – Chuyên gia Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam, hiện tại dự án này có những khó khăn, vướng mắc như sau:

Một là: Thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án.

PVN đã có Công văn số 5741/DKVN-BĐ-KTĐT ngày 25/9/2018 trình Bộ Công Thương thẩm định Hồ sơ Tổng mức đầu tư (TMĐT) điều chỉnh của dự án Nhiệt điện Long Phú 1. Bộ Công Thương có Công văn số 598/BCT – ĐL ngày 8/7/2019 yêu cầu PVN rà soát, thẩm định lại TMĐT điều chỉnh của dự án trên cơ sở phương án lựa chọn để xử lý hợp đồng EPC với Nhà thầu PM được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Tổ công tác Chính phủ đánh giá dự án không thuộc diện được điều chỉnh theo quy định của Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, do đó, việc điều chỉnh dự án để điều chỉnh tổng mức đầu tư không thuộc thẩm quyền Chính phủ.

Hai là: Đề xuất của PM để tiếp tục thực hiện Hợp đồng EPC:

Sau thời gian dài đàm phán, PVN đánh giá các phương án do PM đề xuất đến thời điểm hiện tại được đánh giá là không có tính khả thi, vì:

Thứ nhất: Chi phí phát sinh cao, không tuân thủ các quy định của hợp đồng EPC đã ký, không tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam.

Thứ hai: Không đảm bảo giải quyết được triệt để các khó khăn do lệnh cấm vận của Chính phủ Mỹ (như phương thức thanh toán, đồng tiền thanh toán, khả năng các bên liên quan sẽ bị Chính phủ Mỹ áp đặt lệnh cấm vận trực tiếp/thứ cấp…).

Thứ ba: Không có giải pháp để thu xếp đủ vốn cho dự án.

Thứ tư: Dựa trên các thông tin về Công ty TKZ do nhà thầu PM cung cấp, TKZ có thể được đánh giá là không đủ năng lực, kinh nghiệm và tài chính đáp ứng các tiêu chí tổng thầu để thực hiện theo các yêu cầu trong hồ sơ mời thầu EPC của dự án Nhiệt điện Long phú 1.

Nhận xét, đánh giá về dự án, ông Nguyễn Thái Sơn – Chuyên gia Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam cho rằng:

Hiệu quả đầu tư của dự án: ​PVN đã giao Viện Dầu khí Việt Nam phân tích mô hình tài chính, đánh giá hiệu quả kinh tế, tài chính dự án với tổng mức đầu tư dự kiến điều chỉnh được trình Bộ Công Thương các phương án và giá chào của PM như trên. Kết quả phân tích mô hình tài chính của Viện Dầu khí Việt Nam khẳng định: Với các giá trị phát sinh do nhà thầu PM yêu cầu (từ 600 – 686 triệu USD) thì dự án không còn hiệu quả kinh tế – tài chính.

Về giấy phép đầu tư của dự án: ​Giấy phép đầu tư của dự án đã hết hạn (từ tháng 2/2019), vì vậy, dự án sẽ không tiếp tục được áp dụng các cơ chế ưu đãi đầu tư của UBND tỉnh Sóc Trăng. Để gia hạn Giấy chứng nhận đầu tư thì cần cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh tiến độ hoàn thành của dự án, trong khi ở thời điểm hiện tại thì không đủ cơ sở để xác định tiến độ khả thi để hoàn thành dự án.

Còn hiện tại, PM đang đẩy ảnh hưởng của vụ việc vượt quá phạm vi mâu thuẫn kinh tế đơn thuần, có tác động nhất định tới lĩnh vực quan hệ khác. Các phương án PM đề xuất để hai bên có thể tiếp tục, hoặc đồng thuận chấm dứt thực hiện hợp đồng đều vượt quá thẩm quyền quyết định của PVN, đặc biệt là về việc tăng giá hợp đồng, miễn trừ trách nhiệm thu xếp vốn và giảm phạm vi công việc của PM. Vì vậy, dự án đang đi vào bế tắc, không xác định được phương hướng.

“Việc giải quyết vướng mắc của dự án đòi hỏi quyết sách tổng thể và kịp thời của Chính phủ để có phương án giải quyết dứt điểm, vì càng để lâu càng hỏng thiết bị, khó khắc phục và càng mất hiệu quả dự án. Đặc biệt, sẽ càng chậm tiến độ, thiếu nguồn cấp điện cho nền kinh tế.

Một trong những việc PVN có thể thực hiện là huy động các nguồn lực để bảo trì, giảm mức hư hỏng những thiết bị đã được lắp đặt đến điểm dừng kỹ thuật. Tuy vậy, nội dung này cũng rất khó khăn, nhiều rủi ro cho PVN khi không xác định được nguồn chi phí cho hạng mục của dự án” – Chuyên gia Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam đặc biệt lưu ý.

Theo – Năng lượng Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Developed by Tiepthitute
Facebook Messenger
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gọi ngay
Developed by Tiepthitute